
Nếu một ngày sờ tay lên ngực và cảm nhận được các khối tròn, dễ dàng di chuyển, ngực thường xuyên đau tức, đặc biệt là trước khi hành kinh thì rất có thể bạn đã bị u nang tuyến vú. Hãy tự trang bị kiến thức để đối phó với căn bệnh này.
1. U nang tuyến vú là gì?
U nang tuyến vú là căn bệnh phổ biến nhưng thực sự rất lành tính. Đây là tình trạng xuất hiện các túi dịch trong tuyến vú. Chị em có thể hoàn toàn yên tâm bởi các khối u nhỏ này không phải là khối u ung thư. Chúng thường có dạng tròn hoặc bầu dục với các cạnh khác nhau.
Các u này có thể chứa dịch lỏng hoặc đặc và rất dễ di chuyển. Nếu chúng là u chứa dịch lỏng, khi sờ tay vào, bạn có thể cảm nhận nó giống như một trái nho hoặc quả bóng nhỏ đầy nước, còn nếu nó là dạng bướu đặc thì lại có cảm giác chắc, cứng hơn. Tùy từng trường hợp mà số lượng u nang này xuất hiên nhiều hay ít.
Trong một số trường hợp, các vi nang không thể quan sát được qua các ảnh chụp, nhưng khi kích thước của chúng tăng lên thì vẫn có thể chèn lên các mô lân cận, khiến cho chị em cảm thấy tức ngực, khó chịu, đặc biệt là triệu chứng đau ngực trở nên dữ dội hơn ngay trước khi hành kinh.
U nang tuyến vú thường xảy ra đối với phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi và hiếm khi xảy ra với phụ nữ trẻ. Trong hầu hết các trường hợp, các u này sẽ tự tiêu biến sau quá trình mãn kinh, do đó bạn không nên lo lắng và các bác sĩ cũng không chỉ định dùng thuốc nếu không cần thiết.
2. Các nguyên nhân gây u nang tuyến vú chị em cần lưu ý
Thực tế, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và chưa thể kết luận chính xác được các nguyên nhân gây u nang tuyến vú ở phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc các tuyến xung quanh ống dẫn sữa bị ngập trong dịch và sự thay đổi của hormone sinh sản ở nữ giới (estrogen và progesteron) chính là nguyên nhân của u nang tuyến vú:
- Sự rối loạn nội tiết tố (hormone sinh sản ở nữ estrogen và progesteron), cụ thể là sự dư thừa chúng trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra những triệu chứng khó chịu như ngực bị đau, sưng lên, xuất hiện dày sần và đau.
- Khi các nội tiết tố khác bao gồm prolactin (có tác dụng kích thích tuyến vú phát triển và bài tiết sữa), insulin, yếu tố tăng trưởng và hormone tuyến giáp bị mất cân bằng, các hormone được sản xuất trong tế bào vú sẽ gửi tín hiệu đến các tế bào lân cận chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phân chiatế bào. Nếu quá trình này bị cản trở, quá trình tăng trưởng tế bào sẽ bị dừng lại và kết quả là xuất hiện các chứng u xơ, u nang vú.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây u nang tuyến vú cũng được ghi nhận:
- Do quá trình mãn kinh ở phụ nữ.
- Do các tuyến và mô liên kết với ống dẫn sữa phát triển quá mức.
3. Các biện pháp phòng ngừa chứng u nang tuyến vú ở phụ nữ
Để phòng ngừa chứng u nang tuyến vú nói riêng và các bệnh lý ở tuyến vú nói chung, các chuyên gia y tế đã đưa ra các khuyến cáo sức khỏe cho các chị em:
- Nên mặc áo ngực để nâng đỡ vú nhằm giảm áp lực trên vú. Khi chọn lựa áo ngực, nên ưu tiên các chất liệu mềm mại và mịn, không quá cứng gây trầy xước da, không gây ngứa ngáy, khó chịu. Đặc biệt nên chọn áo vừa vặn với cơ thể, không được quá bó sát và cũng không quá rộng.
- Có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, không lạm dụng thức uống có cồn như rượu, bia, tránh dùng quá nhiều cà phê và không sử dụng chất kích thích.
- Nên cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn uống hàng ngày.
U nang tuyến vú là bệnh lý lành tính và rất thường gặp ở phụ nữ. Khi phát hiện các triệu chứng nghi u nang, bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn cụ thể nhất, không nên tự ý điều trị tại nhà. Tốt nhất là chị em nên duy trì lịch kiểm tra vú 6 tháng/ lần tại các bệnh viện để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời.